Làm giả biên lai chuyển khoản tiền từ thiện sẽ bị xử phạt như thế nào?

Mới đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải bản sao kê danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Từ việc sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng mạng đã so sánh, đối chiếu và phát hiện một số cá nhân sử dụng hình ảnh đã qua chỉnh sửa để thổi phồng số tiền ủng hộ, đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Thậm chí, có người còn sử dụng hình ảnh giả mạo nhằm mục đích trục lợi, ăn chặn tiền từ thiện từ tập thể, tổ chức. 

Hành vi làm giả biên lai chuyển khoản tiền từ thiện này không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người làm giả biên lai chuyển khoản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Mời quý độc giả tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây của Luật Triệu Phúc.

(Ảnh minh họa; Nguồn Internet)

(Thống kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ – qua tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ 1/9-10/9/2024: https://drive.google.com/file/d/18dIWiReYtJkyuQ_8vSBJWweGaD71rBpu/view?fbclid=IwY2xjawFQ2AdleHRuA2FlbQIxMAABHRKt8xw3yNPBg23KfMvqoFp0Mc9VcQaFJKhafaExLfw26oZaiaN2s9p66A_aem_SOmAijPUqgn7s76SmFA0lw)

1. Xử phạt hành chính

Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định như sau: 

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;

b) Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;

c) Tráo đổi hàng cứu trợ.

Tổ chức, cá nhân làm thất thoát tiền cứu trợ, sử dụng, phân phối tiền cứu trợ không đúng mục đích, đúng đối tượng sẽ buộc phải khắc phục hậu quả. Cụ thể là bồi hoàn lại số tiền cứu trợ đối với trường hợp thất thoát tiền cứu trợ; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do sử dụng, phân phối tiền cứu trợ không đúng mục đích và đổi tượng.

Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì theo điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Việc đăng tải sao kê giả có thể liên quan đến giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức (ngân hàng) và gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tiếp nhận tiền hỗ trợ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Thông thường, mức phạt sẽ ở mức trung bình của khung hình phạt là 7,5 triệu đồng.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối để bỏ trốn hoặc chiếm đoạt tài sản đó. 

Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như: rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng , bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là một số thông tin về.xử lý hành vi làm giả biên lai chuyển khoản tiền từ thiện. Luật Triệu Phúc hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng.trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *