Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai khi không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất gồm những gì? Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp ở UBNB thì có được khởi kiện ra tòa án không? Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
- Căn cứ pháp lý: Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ
Các bên được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp như sau:
a. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền, hoặc;
b. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định về tố tụng dân sự.
(Khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024)
2. Tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất có thể chuyển sang giải quyết tại Tòa án không?
Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định:
“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.”
Như vậy, đối với tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất mà các bên lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết, trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, các bên có thể khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất được gửi tới UBND xã nơi cư trú hay nơi có đất tranh chấp?
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.
2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.”
(Điều 235 Luật Đất đai 2024)
Như vậy, tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã nơi có đất tranh chấp để được giải quyết.
Trên đây là những tư vấn của Chúng tôi về Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai khi không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——