Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ là gì? Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ có bắt buộc hòa giải tại UBND xã trước không? Luật Triệu Phúc xin gửi tới Quý bạn đọc câu trả lời trong bài viết dưới đây!
- Căn cứ pháp lý: Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1. Căn cứ để giải quyết tranh chấp
Theo khoản 1 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã quy định như sau:
Đối với tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a. Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai cung cấp;
b. Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
c. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng;
đ. Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, muốn giải quyết tranh chấp đất đai nhưng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì phải dựa vào rất nhiều căn cứ nêu trên.
2. Tranh chấp đất đai không có sổ đỏ có bắt buộc hòa giải tại UBND xã trước hay không?
Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định:
“1.Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Theo đó, đối với tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì vẫn bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã theo quy định.
Trên đây là những tư vấn của Chúng tôi về Căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——