Tình thế cấp thiết là gì? Căn cứ xác định hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là gì? Khi vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết sẽ phải bồi thường thiệt hại như thế nào? Cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong trường hợp cượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Bộ luật Hình sự 2015.
2. Tình thế cấp thiết là gì?
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tình thế cấp thiết quy định như sau: tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Điều 171 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Như vậy, có thể thấy quy định về khái niệm của tình thế cấp thiết trong Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự hiện hành là thống nhất.
Do vậy, có thể hiểu: tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trước sự đe dọa đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho một lợi ích khác nhỏ hơn cũng được pháp luật bảo vệ để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn.
Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, chúng ta coi việc hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích. Còn về mặt hình sự hành động này không bị coi là tội phạm.
Trong xã hội, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, của bản thân mình cũng như của người khác luôn luôn được đặt trong mối quan hệ khăng khít giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; giữa cái cần thiết và cái có thể và cần phải hy sinh để bảo vệ cái cần thiết đó.
3. Căn cứ xác định hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có nguy cơ thực tế đe dọa cho lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Tình thế cấp thiết chỉ là nguy cơ đe dọa gây thiệt hại nhưng thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải cân nhắc tính toán về nguy cơ này. Nguy cơ gây thiệt hại đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ có thể xuất phát từ hành vi trái pháp luật của con người, tác động của thiên nhiên, súc vật tấn công,..
- Nguy cơ có thực, phải đang bắt đầu, đang diễn ra và chưa kết thúc. Nếu nguy cơ không có thực, đã xảy ra rồi thì không thể tồn tại tình thế cấp thiết
- Nguy cơ đang đe dọa lợi ích được pháp luật bảo vệ là những lợi ích hợp pháp. Đối với các lợi ích không hợp pháp thì không thể viện dẫn là gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết
- Việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại có nguy cơ xảy ra.
Trong khi có một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ, với các yếu tố khách quan và chủ quan thì bản thân người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho đối tượng khác (không phải gây thiệt hại cho nguy cơ đe dọa) để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
- Thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Khi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, bản thân người gây thiệt hại phải cân nhắc, tính toán giữa một bên là hậu quả có thể xảy ra cho đối tượng được pháp luật bảo vệ khi có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại với thiệt hại mà mình sẽ gây ra trong tình thế cấp thiết.
Do đó, chỉ coi là gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thiệt hại xảy ra là nhỏ hơn so với thiệt hại cần ngăn ngừa.
4. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Nếu như vi phạm một trong các điều kiện của tình thế cấp thiết trên thì được coi là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Do đó, chủ thể gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 595 Bộ luật dân sự năm 2015:
Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
Theo quy định trên, thì chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết chỉ phải bồi thường phần vượt quá phần lợi ích cần hy sinh để bảo vệ phần lợi ích lớn hơn.
Phần lợi ích cần hy sinh thuộc trách nhiệm bồi thường của chủ thể đã gây ra tình thế cấp thiết.
Hơn nữa, không phải lúc nào các thiệt hại xảy ra cũng mang tính định lượng để có thể so sánh thiệt hại nào là lớn hơn và thiệt hại nào là nhỏ hơn.
Tuy nhiên, mục đích của tình thế cấp thiết là để bảo vệ bảo vệ lợi ích lớn hơn bằng cách hy sinh lợi ích nhỏ hơn, nếu như người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây thiệt hại lớn hơn để bảo vệ một lợi ích nhỏ hơn thì hành động đó không được coi là hành động có ích nữa.
Chính vì vậy, để xác định một hành vi gây thiệt hại có phải thuộc tình thế cấp thiết hay không thì phải so sánh được giữa phần lợi ích được hy sinh và lợi ích được bảo vệ.
Trong trường hợp này, lỗi của người gây thiệt hại được xác định là lỗi đối với phần vượt quá nên họ chỉ phải bồi thường thiệt hại đối với phần vượt quá.
Khoản 2 Điều 595 Bộ luật dân sự quy định Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó, người gây ra tình thế cấp thiết sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Mặc dù bản thân người này không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ nhưng họ là người đã tạo ra nguy cơ đe dọa gây thiệt hại cho các lợi ích đó.
Do vậy, họ phải là người chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong trường hợp tình thế cấp thiết do thiên nhiên mang lại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại xảy ra trong tình thế đó không đặt ra mà phải coi là rủi ro mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu.