06 tình trạng pháp lý của tổ hợp tác là những tình trạng nào? Những hành vi nào bị nghiêm cấm liên quan đến tổ hợp tác? Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
- Căn cứ pháp lý: Luật Hợp tác xã 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Tổ hợp tác là gì?
Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 giải thích như sau:
“21. Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

2. 06 tình trạng pháp lý của tổ hợp tác
Theo Điều 28 Nghị định 92/2024/NĐ-CP, các tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong Cơ sở dữ liệu về đăng ký hợp tác xã bao gồm:
(1) “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
(2) “Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
(3) “Đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động.
(4) “Đã chấm dứt hoạt động” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
(5) “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà qua công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại địa chỉ đã đăng ký. Thông tin về tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký do cơ quan thuế cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Việc chuyển tình trạng pháp lý và kết thúc tình trạng pháp lý này do cơ quan thuế quyết định, trừ trường hợp tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang thuộc tình trạng pháp lý (1), (2), (3) và (4) Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin về tình trạng pháp lý “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận, cập nhật tình trạng pháp lý do cơ quan thuế cung cấp vào Cơ sở dữ liệu về đăng ký hợp tác xã.
(6) “Đang hoạt động” là tình trạng pháp lý của tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh mà không thuộc 5 tình trạng pháp lý trên.
3. Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ hợp tác
* Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
a. Cấp GCN đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp không đủ điều kiện;
b. Cản trở việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của tổ hợp tác, thành viên theo quy định của Luật này;
c. Hỗ trợ, ưu đãi cho tổ hợp tác không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;
d. Lợi dụng quyền hạn để làm trái với các quy định của pháp luật về hỗ trợ, ưu đãi cho tổ hợp tác;
đ. Gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu tổ hợp tác trong đăng ký, hoạt động và thực hiện hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không trung thực liên quan đến hỗ trợ, ưu đãi cho tổ hợp tác;
g. Từ chối cấp GCN đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định;
* Đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a. Hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của Luật này;
b. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c. Thực hiện không đúng các nguyên tắc tổ chức, quản lý và hoạt động theo quy định của Luật này;
d. Cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực, làm giả giấy tờ để trục lợi;
đ. Sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết.
e. Hoạt động khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
* Đối với thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm thành viên;
b. Cung cấp thông tin không trung thực cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về 06 tình trạng pháp lý của tổ hợp tác. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——