Quyền hạn của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là gì? Đình chỉ hoạt động trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được quy định như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật Triệu Phúc để nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;
– Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

1. Quyền hạn của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Điều 6 Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT quy định quyền hạn của Trung tâm. Cụ thể:
“1. Thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật và một số quy định cụ thể sau đây:
a) Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm;
b) Quyết định thành lập bộ máy tổ chức theo đề án thành lập Trung tâm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của Trung tâm;
d) Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật;
đ) Tuyển sinh và quản lý học sinh, học viên; phát triển chương trình giáo dục của Trung tâm; tổ chức biên soạn, lựa chọn tài liệu học tập, đồ dùng, đồ chơi, học liệu theo quy định của pháp luật;
e) Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực về chuyên môn hoặc tài chính để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
2. Sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tổ chức cho giáo viên cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực nghề nghiệp.
3. Được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục.
4. Các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.”
2. Đình chỉ hoạt động trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Điều 50 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định như sau:
2.1. Các trường hợp bị đình chỉ
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bị đình chỉ hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm;
b. Trong quá trình hoạt động không duy trì được một trong các điều kiện quy định tại Điều 48 Nghị định này;
c. Không triển khai hoạt động trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm;
d. Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ bị đình chỉ;
đ. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Thẩm quyền quyết định đình chỉ
– Đối với trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
– Đối với trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định.
2.3. Trình tự thực hiện
a. Khi phát hiện trung tâm vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra để đánh giá tình trạng thực tế của trung tâm, lập biên bản kiểm tra và thông báo cho trung tâm về hành vi vi phạm;
b. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo cho trung tâm về hành vi vi phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ mức độ vi phạm, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đình chỉ hoạt động đối với trung tâm công lập hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ hoạt động đối với trung tâm tư thục.
Quyết định đình chỉ hoạt động trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (theo Mẫu số 10 Phụ lục I kèm theo Nghị định này) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
c. Trong thời hạn bị đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì trung tâm thông báo bằng văn bản kèm theo minh chứng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của trung tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trung tâm hoạt động trở lại và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Hồ sơ của Trung tâm gồm những gì?
* Hồ sơ kế hoạch hoạt động và tổ chức các hoạt động của Trung tâm bao gồm:
a. Kế hoạch tổ chức phát hiện sớm, phân loại nhu cầu giáo dục và can thiệp giáo dục sớm;
b. Kế hoạch hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật;
c. Kế hoạch giáo dục của Trung tâm;
d. Hồ sơ tổ chức các hoạt động theo các kế hoạch tại các điểm a, b, c của khoản này và các hoạt động khác (nếu có).
*Hồ sơ quản lý hoạt động dạy học và giáo dục của Trung tâm bảo đảm theo quy định hồ sơ trong Điều lệ nhà trường của cấp học tương ứng.
*Hồ sơ giáo dục học sinh khuyết tật bao gồm:
a. Đối với học sinh khuyết tật học tập tại Trung tâm: giấy xác nhận mức độ khuyết tật, giấy tờ xác nhận khác (nếu có); kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh và các hồ sơ liên quan;
b. Đối với học sinh thực hiện can thiệp giáo dục sớm: sổ theo dõi can thiệp giáo dục sớm của giáo viên (nếu có).
*Việc lưu trữ hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật.
(Điều 19 Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT)
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——