Thủ tục cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục từ 20/1/2024 được thực hiện như thế nào? Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật Triệu Phúc.
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;
– Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

1. Thủ tục cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục
Điều 18 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục như sau:
1.1. Thẩm quyền quyết định
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường tiểu học.
1.2. Hồ sơ
a. Tờ trình đề nghị cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục (theo mẫu);
b. Bản sao các văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê địa điểm trường tiểu học với thời hạn tối thiểu 05 năm;
c. Đối với trường tiểu học tư thục phải có văn bản pháp lý xác nhận về số tiền đầu tư do nhà trường đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp, phù hợp với quy mô dự kiến tại thời điểm đăng ký hoạt động giáo dục;
d. Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường;
- Tổ chức và quản lý nhà trường;
- Tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường;
- Nhiệm vụ và quyền của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh;
- Tài chính và tài sản của nhà trường;
- Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của nhà trường.
1.3. Trình tự thực hiện
a. Trường tiểu học gửi hồ sơ đến Phòng Giáo dục và Đào tạo:
– Số lượng: 01 bộ hồ sơ
– Cách thức thực hiện:
- Nộp trực tiếp
- Qua cổng dịch vụ công trực tuyến
- Qua dịch vụ bưu chính
b. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường tiểu học trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ; hoặc thông báo kế hoạch thẩm định thực tế tại trường trong trường hợp hồ sơ hợp lệ;
c. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện để trường tiểu học được hoạt động giáo dục; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 17 Nghị định này;
d. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho trường tiểu học và nêu rõ lý do.
Quyết định cho phép trường tiểu học hoạt động giáo dục (theo mẫu) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?
Điều 29 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:
(Xem hình ảnh)
3. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông
Điều 30 Luật Giáo dục 2019 quy định các yêu cầu như sau:
3.1. Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học.
3.2. Yêu cầu về nội dung giáo dục phổ thông ở các cấp học được quy định như sau:
a. Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có nhận thức đạo đức xã hội; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật;
b. Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp;
c. Giáo dục trung học phổ thông củng cố, phát triển nội dung đã học ở trung học cơ sở, hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông; bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho học sinh, có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh.
3.3. Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——