Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có hiệu lực khi nào? Thủ tục thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Ảnh minh họa
1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có phải đăng ký với cơ quan nhà nước không?
Quy định về hiệu lực của Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được quy định như sau:
i. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Cụ thể, các quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký bao gồm:
– Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc việc đăng ký) được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005; hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
ii. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên.
iii. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp tại Mục ii. nêu trên (trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu) phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
iv. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ Điều 58 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, thành phần hồ sơ bao gồm:
a. Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo mẫu tại mục 1.
b. 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định). Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; Hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
c. Bản gốc văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy;
d. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
e. Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
g. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.
h. Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng;
+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, tập thể.
Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Mẫu tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
3. Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có các thiếu sót nêu tại khoản 3 Điều 59 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:
a. Ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
b. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp:
- Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới.
- Trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
d. Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;
đ. Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
Trên đây là những tư vấn của Chúng tôi về Thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
——- Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——-