Đăng ký nhãn hiệu là gì? Thủ tục đăng ký nhãn hiệu ra sao là vấn đề đang được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm. Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu những thông tin liên quan đến đăng ký nhãn hiệu thông qua bài viết dưới đây.
Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
1. Nhãn hiệu là gì? Đăng ký nhãn hiệu là gì?
- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
- Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành với ý nghĩa thừa nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
- Hình thức đăng ký nhãn hiệu là ghi nhận nhãn hiệu và chủ sở hữu vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu.
2. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
a. 02 Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trong đó phải có Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu) (Mẫu 08 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
b. Mẫu nhãn hiệu (5 mẫu nhãn hiệu kích thước 80×80 mn);
c. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
d. Giấy ủy quyền (trong trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
e. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
g. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
*Đối với trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, thì cần có thêm các loại giấy tờ sau:
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc chứng nhận chất lượng của sản phẩm, chứng nhận nguồn gốc địa lý);
– Bản đồ khu vực địa lý (nếu là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hoặc có chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
– Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương)
Hướng dẫn điền tờ khai
3. Trình tự thực hiện
Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu
– Trước khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần kiểm tra nhãn hiệu dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu khác không để tránh mất thời gian, chi phí.
– Có thể tra cứu sơ bộ miễn phí trên trang http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php hoặc tra cứu có trả phí từ Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Nộp phí đăng ký và nộp hồ sơ
– Có thể đến cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ hoặc nộp qua dịch vụ bưu điện
– Trường hợp đơn hợp lệ, nhận quyết định chấp nhận hình thức đơn.
– Trong trường hợp đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi thì sửa đổi theo hướng dẫn.
Bước 3: Thẩm định hình thức đơn đăng ký
– Thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
– Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…
– Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công báo sở hữu công nghiệp.
– Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Chủ đơn, đại diện chủ đơn tiến hành sửa đổi theo yêu cầu. Sau đó, tiến hành nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí bổ sung nếu phân loại nhóm sai.
Bước 4: Công bố đơn
– Thời hạn công bố đơn nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ
– Hình thức công bố: Trang website của Cục Sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp.
Bước 5. Thẩm định nội dung đơn
– Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
– Cục Sở hữu trí tuệ (CSHTT) xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu. Trên cơ sở đó, CSHTT có những đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Nếu đơn đáp ứng đủ điều kiện thì CSHTT ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
– Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện. CSHTT ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Chủ đơn nhãn hiệu xem xét và gửi công văn trả lời quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ đơn đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của mình. Trường hợp Cục sở hữu trí tuệ vẫn từ chối lý do phúc đáp, chủ đơn có thể lựa chọn thủ tục khiếu nại quyết định từ chối.
Bước 6: Nhận thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nộp lệ phí đăng bạ, công bố văn bằng bảo hộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Bước 7: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về Thủ tục Đăng ký nhãn hiệu. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
——- Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——-