Trong thời công nghệ hiện nay, flycam ngày càng được sử dụng rộng rãi, phục vụ cho nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, không được phép sử dụng flycam tùy tiện mà phải được cấp phép bay thì flycam mới có thể sử dụng (bay) một cách hợp pháp. Trong bài viết này, Luật Triệu Phúc sẽ mang đến cho quý khách hàng một số thông tin liên quan tới thủ tục xin cấp phép bay đối với flycam.
- Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/03/2008;
– Nghị định 79/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/09/2011.
1. Flycam là gì? Sử dụng flycam có phải xin phép không?
1.1. Flycam là gì?
Flycam là một thiết bị bay có gắn camera và được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video, đây là một thiết bị bay không người lái.
Nguồn ảnh: Internet
1.2. Những hành vi sử dụng fly cam bị nghiêm cấm
- Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
- Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
- Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
- Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
- Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
- Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
- Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
Do đó, nếu thực hiện những hành vi trên bằng flycam mà không được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái với các quy định của pháp luật, phải chịu chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục xin giấy phép bay flycam
2.1. Thành phần hồ sơ
a. Đơn đề nghị cấp phép bay: theo mẫu;
b. Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của người đại diện làm đơn (bản sao công chứng). Nếu là công ty xin cấp phép cần có thêm giấy đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng).
c. Ảnh chụp thiết bị bay flycam: yêu cầu ảnh in màu, kích thước tối thiểu là 18cm x 24cm.
d. Ảnh chụp khu vực xin cấp phép bay: yêu cầu ảnh chụp in màu, sử dụng ảnh Google maps.
Nguồn ảnh: Internet
2.2. Trình tự xin giấy phép
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Cá nhân, tổ chức có nhu cầu xin giấy phép nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu, số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
- Số điện thoại hỗ trợ xin cấp phép bay của Cục là 069.533.200 và 069.533.105
- Số fax: 0473379947.
– Hoặc nộp qua đường bưu điện tới địa chỉ: Bộ Quốc Phòng – số 1 Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Lưu ý:
– Chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu.
– Chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị sửa đổi lại phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu
Bước 2: Xem xét và cấp giấy phép
Trong vòng 7-15 ngày làm việc, Cục tác chiến sẽ xem xét hồ sơ và phản hồi lại với người nộp:
– Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Yêu cầu bổ sung, tổ chức, cá nhân nên bổ sung sớm nhất có thể, chậm nhất là 7 ngày trước khi bay để đảm bảo có giấy phép bay đúng hạn.
– Nếu từ chối cấp phép bay (trong trường hợp không bảo đảm an ninh, quốc phòng, an an toàn hàng không và trong các trường hợp chưa được cung cấp đủ thông tin được quy định) thì Quyết định từ chối sẽ được trả lời bằng văn bản cụ thể.
– Nếu hồ sơ hợp lệ, được cấp phép thì nội dung của phép bay quy định tại Điều 10 Nghị định 36 năm 2008 bao gồm:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.
- Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).
- Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.
- Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.
- Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
- Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.