Trong ly hôn, thủ tục hòa giải là một phần được quy định để hai bên có thể thỏa thuận để giải quyết trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý ly hôn tại Tòa án. Vậy có phải lúc nào ly hôn cũng bắt buộc hòa giải? Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
1. Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Ly hôn có bắt buộc phải hòa giải không?
(Ảnh minh họa; Nguồn Internet)
2.1. Hòa giài ở cơ sở
Căn cứ Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
“Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 quy định về cơ sở như sau:
“2. Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).”
Theo đó, hòa giải cơ sở là phương thức được nhà nước và xã hội khuyến khích tiến hành theo quy định pháp luật. Việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn là không bắt buộc. Mục đích của việc này là để khuyến khích hàn gắn mối quan hệ hai bên vợ, chồng trên cơ sở tự nguyện.
2.2. Hòa giải tại Tòa án
Căn cứ theo Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
“Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.”
Theo đó, sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải theo quy định. Trong giai đoạn chờ đưa vụ án ra xét xử ,Tòa án bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
3. Trường hợp nào ly hôn không tiến hành hòa giải được
Căn cứ quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được gồm:
– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục hòa giải khi ly hôn. Luật Triệu Phúc hân hạnh.được đồng hành.cùng quý khách hàng.trong việc giải quyết mọi vấn đề.pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——