Có mấy loại tranh chấp đất đai hiện nay? Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như thế nào? Cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
- Căn cứ pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013;
– Luật Đất đai số 31/2024/QH15;

1. Tranh chấp đất đai được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại khoản 47 Điều 3 Luật đất đai 20124 tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
* Đặc điểm của tranh chấp đất đai:
a. Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp;
b. Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;
c. Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà Nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.
2. Có mấy loại tranh chấp đất đai
Dựa vào khái niệm tranh chấp đất đai, có thể phân chia loại của tranh chấp đất đai cụ thể thành các trường hợp như sau:
* Tranh chấp về quyền sử dụng đất
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác.
– Tranh chấp đòi lại đất: đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ.
* Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất mang bản chất là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Tranh chấp này có thể là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, công nhận hiệu lực của hợp đồng, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…
Một loại tranh chấp khác cũng thuộc dạng này đó là tranh chấp về mục đích sử dụng đất.
* Tranh chấp liên quan đến đất
– Tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn;
– Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.

3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai
a) Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Tại Điều 12 Luật Đất đai 2024:
“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ là những người được Nhà nước giao đất sử dụng, nên đối tượng của mọi tranh chấp là quyền quản lý, quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là đại diện.
b) Nguyên tắc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa
Khi giải quyết tranh chấp đất đai phải chú ý tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật đã quy định. Cơ quan các cấp cần phát hiện và giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai, tránh tình trạng tranh chấp kéo dài gây mất ổn định xã hội và xâm hại đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.
c) Giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam cần nắm vững quan điểm lấy dân làm gốc, bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên trong giải quyết tranh chấp cần đặt lợi ích của người dân làm gốc. Do đó, pháp luật cần tôn trọng các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa các quyền năng của mình.
d) Giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất và từng bước cải thiện đời sống của mọi tầng lớp dân cư.
Thực tế, tranh chấp đất đai ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế nên việc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích bình ổn các quan hệ xã hội.
e) Nguyên tắc khuyến khích thương lượng, tự hòa giải trong nội bộ nhân dân.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về Có mấy loại tranh chấp đất đai hiện nay. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——