Từ 20/11/2024, điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sẽ áp dụng theo quy định mới tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP. Mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
- Căn cứ pháp lý:
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;
– Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

1. Điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên
Điều 32 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định các điều kiện như sau:
a. Có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm;
b. Có chương trình, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d. Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.
Lưu ý: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên thì phải đáp ứng các điều kiện tương ứng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
2. Thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên
Điều 33 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
2.1. Thẩm quyền quyết định
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên công lập; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tư thục.
2.2. Hồ sơ
a. Tờ trình đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm theo mẫu;
b. Đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm theo mẫu;
c. Bản sao văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê địa điểm của trung tâm;
d. Đối với trung tâm tư thục phải có văn bản pháp lý xác nhận về số tiền đầu tư thành lập trung tâm, bảo đảm tính hợp pháp, phù hợp với quy mô dự kiến tại thời điểm đề nghị cho phép thành lập trung tâm;
đ. Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm;
- Tổ chức, bộ máy của trung tâm;
- Tổ chức hoạt động giáo dục trong trung tâm;
- Nhiệm vụ, quyền của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học;
- Tài chính và tài sản của trung tâm;
- Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của trung tâm.

2.3. Trình tự thực hiện
a. Thành lập trung tâm công lập:
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập trung tâm.
b. Cho phép thành lập trung tâm tư thục:
Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Sở Giáo dục và Đào tạo;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trung tâm. Nếu hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện cho phép thành lập trung tâm trong thời hạn 15 ngày; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định tại Điều 32 Nghị định này;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập trung tâm; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập trung tâm và nêu rõ lý do;
c. Trường hợp thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập trung tâm công lập hoặc trước khi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập trung tâm tư thục;
d. Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——