Không phải luật sư có được bào chữa không? Những trường hợp nào không được làm người bào chữa?

Nhắc đến bào chữa, nhiều người thường nghĩ tới Luật sư. Vậy có phải chỉ có luật sư mới được bào chữa? Không phải luật sư có được bào chữa không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

(Ảnh minh họa; Nguồn Internet)

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

1. Người bào chữa là gì?

Khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2. Không phải là luật sư có được bào chữa không?

Khoản 2 Điêu 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về người bào chữa. Cụ thể người bào chữa có thể là:

– Luật sư;

– Người đại diện của người bị buộc tội;

– Bào chữa viên nhân dân;

– Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Theo đó, không chỉ có luật sư mới được là người bào chữa. Người bào chữa có thể là một trong những người được nêu trên.

3. Những trường hợp không được làm người bào chữa

Những trường hợp không được bào chữa được quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Cụ thể như sau:

“Điều 72. Người bào chữa

[…]

4. Những người sau đây không được bào chữa:

a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

[…]”

Theo đó, những người thuộc các trường hợp quy định nêu trên thì không được làm người bào chữa.

4. Ai được lựa chọn người bào chữa?

Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.

4.1. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam yêu cầu người bào chữa

Trong 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ.

Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Trong 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền quản lý có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền quản lý phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

4.2. Người đại diện hoặc người thân thích yêu cầu người bào chữa

Nếu người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

Ngoài ra, nếu người bị buộc tội là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thì họ hoặc người đại diện, người thân thích của họ có thể đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa.

5. Thủ tục đăng ký bào chữa

Theo Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.

– Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ sau:

    • Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm bản sao chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
    • Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân kèm bản sao chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
    • Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân kèm bản sao chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên;
    • Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người trợ giúp pháp lý của tổ chức và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao chứng thực.

– Trong 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan.

Nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trên đây.là tư vấn.của chúng tôi.về vấn đề không phải luật sư có được bào chữa không?. Luật Triệu Phúc hân hạnh.được đồng hành.cùng quý khách hàng.trong việc giải quyết.mọi vấn đề pháp lý.

Rất mong.nhận được.sự hợp tác!

Trân trọng./.

—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *