Nếu một bên vi phạm hợp đồng thì sẽ phải chịu hình phạt gì? Pháp luật quy định như thế nào về mức phạt vi phạm hợp đồng? Cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
2. Phạt vi phạm hợp đồng là gì?
Hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 là:
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng dân sự được hiểu là những thỏa thuận giữa các bên nhằm đạt được mục đích các bên hướng tới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.
Hợp đồng là cơ sở xác định các quyền và nghĩa vụ dân sự sẽ được xác lập, thay đổi hay chấm dứt.
Khi các bên đã thỏa thuận và thống nhất nội dung hợp đồng dân sự thì sau khi giao kết, các bên phải thực hiện đúng theo hợp đồng đó.
Thế nào là phạt vi phạm hợp đồng?
Các trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật về loại hợp đồng đó đều được xác định là hành vi vi phạm hợp đồng.
Phạt vi phạm hợp đồng là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên khi chưa có hành vi vi phạm để thúc đẩy các bên nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên kia tiền phạt hợp đồng.
Thực chất, tiền phạt này là tiền đền bù vật chất cho bên bị vi phạm, không phụ thuộc vào việc có hay không có thiệt hại.
Ngoài ra, nếu phải chịu phạt vi phạm rồi thì không cần phải bồi thường thiệt hại nữa.
Chỉ khi các bên có thỏa thuận vừa phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại.
3. Điều kiện phạt vi phạm hợp đồng
Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồn, các bên sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng hợp đồng,…
Đối với chế tài phạt vi phạm hợp đồng, chỉ áp dụng khi đáp ứng hai điều kiện cơ bản:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thỏa thuận xử lý vi phạm bằng hình thức phạt vi phạm.
3.1 Có hành vi vi phạm hợp đồng
Khi giao kết hợp đồng, các bên có trách nhiệm làm theo đúng nội dung đã thỏa thuận.
Khi một trong các bên không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hay thực hiện không đúng nghĩa vụ thì đều bị coi là vi phạm hợp đồng và sẽ bị xử phạt theo thỏa thuận.
Các nghĩa vụ hợp đồng không chỉ có nghĩa vụ đã thỏa thuận mà còn có những nghĩa vụ đương nhiên phải thực hiện theo pháp luật dân sự quy định chung cho từng loại hợp đồng đó.
Khác với bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, khi áp dụng chế tài phạt vi phạm, các bên chỉ cần chứng minh có hành vi vi phạm là có thể áp dụng chế tài này.
Không cần phải chứng minh có thiệt hại xảy ra không, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại đó hay không.
3.2 Có sự thỏa thuận của các bên
Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Phạt vi phạm là một chế tài bảo đảm thực hiện hợp đồng mà pháp luật không bắt buộc áp dụng.
Theo đó, chỉ khi trong hợp đồng các bên có thỏa thuận rõ ràng về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thì các bên mới áp dụng chế tài này khi có vi phạm.
Về chế định phạt vi phạm, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không quy định khung xử phạt cụ thể.
Khi thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, các bên phải thỏa thuận cả mức phạt vi phạm hợp đồng thì khi có vi phạm mới xử phạt được.
4. Thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng
Theo Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận, tự ấn định mức phạt mà không bị pháp luật hạn chế mức phạt tối đa.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ có áp đặt mức phạt vi phạm tối đa được quy định riêng.
Đối với các loại hợp đồng liên quan đến nghĩa vụ trả tiền, chuyển giao tài sản, mức phạt được quy định theo phần trăm lãi suất.
Khi đến hạn, một bên chậm trả tiền (ví dụ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng vay,…) thì bên chậm trả phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Hay hợp đồng mua bán vật đồng bộ nhưng lại giao vật không đồng bộ, mà bên mua đã thanh toán tiền thì bên bán phải trả tiền và tiền lãi trên số tiền bên mua thanh toán trong thời gian từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng đến khi giao đúng vật đồng bộ.
Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Điều 438. Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ
2. Trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.
Tiền lãi phải trả chính là tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ không trả tiền đúng hạn.
Tiền lãi này được tính với mức lãi suất tối đa được áp dụng là 20%/năm nếu các bên có thỏa thuận hoặc 10%/năm nếu các bên không có thỏa thuận về trả lãi.
Mức lãi suất tính theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
5. Các trường hợp không bị phạt vi phạm hợp đồng
Trong thực tế, nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng không phải do mong muốn bên vi phạm mà do một số trường hợp bất khả kháng họ không thể thực hiện theo đúng hợp đồng được.
Vì vậy, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định một số trường hợp được miễn chịu trách nhiệm dân sự hay chính là không bị xử phạt vi phạm tại Điều 351:
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Phạt vi phạm hợp đồng cũng là một loại trách nhiệm dân sự.
Các trường hợp không phải chịu trách nhiệm dân sự cũng áp dụng với chế tài phạt vi phạm.
Theo đó, bên vi phạm sẽ không bị phạt vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Việc vi phạm hợp đồng, không thể thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận là do sự kiện bất khả kháng gây ra, bên vi phạm không hề mong muốn hay cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó.
- Việc vi phạm hợp đồng, không thể thực hiện hợp đồng được hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm. Họ cố tình gây cản trở, gây khó khăn khiến hợp đồng không thể thực hiện được.
- Nếu trong hợp đồng, các bên có dự trù được trước và quy định thêm một số trường hợp được miễn phạt thì theo như thỏa thuận, các bên sẽ được miễn xử phạt.
Nếu bên vi phạm chứng minh được hành vi vi phạm của mình hoàn toàn không phải do lỗi của mình mà do sự kiện bất khả kháng, sự kiện được miễn trách theo thỏa thuận hợp đồng hoặc do lỗi của bên bị vi phạm thì họ không bị xử phạt vi phạm nữa.