Sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non độc lập

Hiện nay có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập phục vụ nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Vậy giáo dục mầm non có vị trí, vai trò như thế nào trong hệ thống giáo dục quốc dân và trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non độc lập được pháp luật quy định như thế nào?

  • Căn cứ pháp lý:

– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;

– Nghị định 125/2024/NĐ-CP.

1. Vị trí, vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non

Điều 23 Luật Giáo dục 2019 quy định vị trí, vai trò, mục tiêu giáo dục mầm non. Cụ thể như sau:

a. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

b. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

2. Cơ sở giáo dục mầm non gồm những gì?

Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:

a. Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;

b. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;

c. Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet

3. Sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non độc lập

Điều 13 Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ sáp nhập, chia, tách như sau:

3.1. Thẩm quyền quyết định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non độc lập.</span>

3.2. Hồ sơ

*Cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập, hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị kiểm tra thực tế các điều kiện sáp nhập, chia, tách

*Cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục:

a. Tờ trình đề nghị sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục (theo mẫu);

b. Phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ em; phương án xử lý tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;

c. Ý kiến đồng thuận của nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với việc sáp nhập, chia, tách.

3.3. Trình tự thực hiện

a. Cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập: Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị kiểm tra thực tế các điều kiện sáp nhập, chia, tách;</span>

b. Cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục: Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản những nội dung chỉnh sửa, bổ sung cho tổ chức, cá nhân; nếu hồ sơ hợp lệ thì có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị kiểm tra thực tế các điều kiện sáp nhập, chia, tách ;

c. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, kiểm tra trên thực tế và có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đủ hay không đủ điều kiện sáp nhập, chia, tách;

d. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc sáp nhập, chia, tách.

Quyết định sáp nhập, chia, tách được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *