Nhiều người khi gặp người khác đang trong tình trạng nguy kịch thường có xu hướng tránh xa sợ bị ảnh hưởng, bị “ăn vạ”. Tuy nhiên hành vi “thấy chết không cứu” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây!

1. Thấy chết không cứu là tội gì?
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được xem là một tội phạm hình sự và được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc “thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”.
2. Xác định hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
tại Điều 5 Chương 2 Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ có đưa ra hướng dẫn như sau:
“Nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối; bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không cứu giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác) mà cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người”.
Như vậy, không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được xác định khi một người thấy người khác có thể chết hoặc sắp chết, tuy có khả năng nhưng lại không cứu giúp mà bỏ mặc người bị nạn.
3. Hình phạt đối với Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người phạm Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị truy cứu với ba mức khung hình phạt sau:
Mức hình thứ nhất: Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đây là khung hình phạt cơ bản áp dụng cho trường hợp người thực hiện hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Mức thứ hai: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng đối với các trường hợp người thực hiện hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có ít nhất một tình tiết định khung tăng nặng.
Mức thứ ba: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Áp dụng đối với trường hợp Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết.
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.