Thu nhập từ kiều hối có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Kiều hối là số tiền ngoại tệ mà những những người cư trú hay làm việc ở nước ngoài gửi về cho nhân thân tại Việt Nam. Vậy kiều hối là gì? Thu nhập từ kiều hối có tính thuế thu nhập cá nhân không? Hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây?

(Ảnh minh họa; Nguồn Internet)

Căn cứ pháp lý:

Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007;

– Một số văn bản theo sự hướng dẫn của Luật Triệu Phúc.

1. Kiều hối là gì?

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật cụ thể nào định nghĩa về kiều hối. Tuy nhiên có thể hiểu đơn giản kiều hối là khoản ngoại tệ mà người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho người thân hoặc bạn bè ở Việt Nam.

Kiều hối có thể là tiền, vàng, giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ.

2. Thu nhập từ kiều hối có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định như sau:

“Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

[…]

8. Thu nhập từ kiều hối.

[…]”

Theo điểm h khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định như sau:

“h) Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước;

Trường hợp cá nhân nhận được tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng điều kiện về khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt nam thì cũng được miễn thuế theo quy định tại điểm này.

Căn cứ xác định thu nhập được miễn thuế tại điểm này là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận từ nước ngoài và chứng từ chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).”

Mặt khác, căn cứ theo Điều 1 và Điều 6 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg thì:

Điều 1. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để Người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước mà người Việt Nam sinh sống và có nhu cầu gửi tiền về nước.

Người nước ngoài chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, hay vì mục đích từ thiện khác cũng được khuyến khích và thực hiện như đối với Người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Quyết định này.”

“Điều 6. Quyền của người thụ hưởng

1. Nhận bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam theo yêu cầu.

2. Trong trường hợp nhận bằng ngoại tệ, người thụ hưởng có thể bán cho các tổ chức tín dụng được phép, chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân và được sử dụng theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoặc sử dụng vào các mục đích khác theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.”

Như vậy, thu nhập từ kiều hối được miễn thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

– Khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước.

– Cá nhân nhận được tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng điều kiện về khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo quy định tại Quyết định 170/1999/QĐ-TTg.

3. Các hình thức chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Điều 4 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg quy định như sau:

“Điều 4. Các hình thức chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các hình thức sau :

1. Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép;

2. Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghịêp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế;

3. Cá nhân mang theo người vào Việt Nam.

Cá nhân ở nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ hộ cho Người Việt Nam ở nước ngoài phải kê khai với Hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ từ nước ngoài gửi về cho Người thụ hưởng ở trong nước.”

Như vậy, các hình thức chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam gồm có:

– Thông qua các tổ chức tín dụng được phép;

– Thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế;

– Cá nhân mang theo người vào Việt Nam. 

4. Những đối tượng được phép nhận kiểu hối

Theo Điều 5 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 78/2002/QĐ-TTg quy định những đối tượng được phép nhận ngoại tệ do người Việt Nam ở nước ngoài chuyển vào và chi trả cho Người thụ hưởng ở trong nước, bao gồm:

– Tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép.

– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế.

– Các tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước cho phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ hoặc tổ chức kinh tế làm đại lý cho tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả ngoại tệ ở trong nước.

– Các tổ chức tín dụng (bao gồm tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và tổ chức tín dụng không được phép hoạt động ngoại hối) làm đại lý cho các tổ chức kinh tế được phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ ở trong nước.

– Các tổ chức tín dụng (bao gồm tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và tổ chức tín dụng không được phép hoạt động ngoại hối) làm đại lý cho các tổ chức tín dụng được phép.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề thuế thu nhập cá nhân liên quan đến kiều hối. Luật Triệu Phúc hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *