Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam cần tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật. Luật Triệu Phúc xin gửi tới quý khách hàng điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua bài viết sau đây.

(Ảnh minh họa; Nguồn Internet)

Căn cứ pháp lý

Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam            

1. Các trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh trước khi thực hiện các hoạt động sau:

– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm một số hàng hóa theo quy định.

– Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn.

– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa theo quy định.

– Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;

– Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;

– Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;

– Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

– Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Các trường hợp công ty có vốn đầu tư nước ngoài không phải cấp giấy phép kinh doanh: Có tổ chức kinh tế là nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế đầu tư theo hợp đồng BCC mà tỷ lệ vốn góp của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ dưới 51%. (Tham khảo quy định tại Điều 6, Nghị định số 09/2018/NĐ – CP ngày 15/01/2018).

2. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh

Để được cấp Giấy phép kinh doanh nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:

* Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp:

– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam tư 01 năm trở lên.

* Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

– Đáp ứng điều kiện về kế hoạch tài chính, nợ thuế như đối với trường hợp trên;

– Đáp ứng các tiêu chí sau:

    • Phù hợp với quy định luật chuyên ngành;
    • Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực;
    • Khả năng tạo việc làm cho người lao động trong nước;
    • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh

Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh gồm các giầy tờ sau:

– Đơn đề nghị (Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP);

(Mẫu Đơn đề nghị)

– Bản giải trình.

– Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;

– Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

4. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Sở Công thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính. Số lượng hồ sơ gửi đến Sở Công thương được quy định chi tiết tại văn bản pháp luật có liên quan, theo từng hoạt động kinh doanh cụ thể.

– Hình thức nộp hồ sơ:

    • Nộp trực tiếp;
    • Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
    • Nộp thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra điều kiện

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy phép kinh doanh;

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định, Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính có trách nhiệm xem xét việc đáp ứng điều kiện.

– Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh, Sở Công Thương phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

– Trường hợp đáp ứng điều kiện, Sở Công Thương gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương.

Bước 3: Cấp Giấy phép

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương xem xét các nội dung tương ứng quy định tại Điều 10 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Những trường hợp không được cấp Giấy phép kinh doanh

– Thời hạn hoạt động của dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đã hết;

– Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép kinh doanh.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Luật Triệu Phúc hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *