Hỏi: Tôi hiện đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân, hiện tại tôi có nhu cầu nhập khẩu cây Trầm Kỳ Nam từ Trung Quốc về trồng trong trang trại của gia đình tại tỉnh Vĩnh Phúc. Cho tôi hỏi là giống cây đó cần phải đáp ứng điều kiện gì không? Và tôi cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ gì? Trình tự thủ tục để xin giấy phép nhập khẩu ra sao?
(Ảnh minh họa cây Trầm Kỳ Nam, Nguồn Internet)
Đáp: Giống cây trồng mà anh/chị đang có nhu cầu nhập khẩu được liệt vào loại cây lâm nghiệp. Trước những thắc mắc của anh/chị, Luật Triệu Phúc xin đưa ra lời tư vấn về những vấn đề liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018;
– Một số văn bản khác theo sự hướng dẫn của Luật Triệu Phúc.
2. Một số khái niệm liên quan
– Giống cây trồng lâm nghiệp là một quần thể cây trồng lâm nghiệp có thể phân biệt được với quần thể cây trồng lâm nghiệp khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.
(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 27/2021/NĐ-CP)
– Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cho phép giống cây trồng đó được đưa vào lãnh thổ nước mình. Đây là loại giấy phép cần thiết đối với cá nhân, tổ chức khi muốn nhập khẩu giống cây trồng đối với trường hợp phải xin giấy phép nhập khẩu.
3. Điều kiện về giống cây trồng lâm nghiệp được nhập khẩu
Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 Nghị định 27/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp như sau:
“1. Việc nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
2. Giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận được nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.
3. Giống cây trồng lâm nghiệp chưa được công nhận không thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo quy định của pháp luật được nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm, trồng thử nghiệm, làm cây cảnh, cây bóng mát, hợp tác quốc tế, làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép.”
4. Hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp
Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm các loại giấy tờ sau (1):
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp;
– Bản chính lý lịch giống cây trồng lâm nghiệp đề nghị nhập khẩu (mỗi giống chỉ nộp một lần khi xuất khẩu lần đầu);
Ngoài ra phải kèm theo một trong các tài liệu sau đây (2):
– Bản chính hoặc bản sao thiết kế kỹ thuật trồng khảo nghiệm, thử nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp.đối với trường hợp nhập khẩu để khảo nghiệm, trồng thử nghiệm;
– Bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch công chứng sang tiếng Việt.đối với trường hợp nhập khẩu theo thỏa thuận hợp tác;
– Bản chính hoặc bản sao Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.đối với trường hợp nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp để tham gia hội chợ, triển lãm;
– Bản sao Giấy xác nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch công chứng sang tiếng Việt.đối với trường hợp nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp để làm quà tặng;
– Bản sao văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật. đối với trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư.
Do anh/chị nhập khẩu giống cây Trầm Kỳ Nam để trồng tại trang trại của gia đình, nên không cần chuẩn bị các giấy tờ đi kèm được nêu ở mục (2)
5. Thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp)
– Hình thức nộp hồ sơ:
-
- Nộp trực tiếp;
- Gửi qua dịch vụ bưu chính
- Qua môi trường điện tử hoặc qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
– Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp) xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ;
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định: trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết, để hoàn thiện.
Bước 3: Trả kết quả
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp) thẩm định và cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.
– Trường hợp từ chối cấp Giấy phép: phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp. Luật Triệu Phúc hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——