Trog giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chi tiêu được thắt chặt, thay vì đi du lịch nước ngoài đắt đỏ thì nhiều người có xu hướng đi du lịch trong nước, làm cho thị trường du lịch nội địa phát triển nhộn nhịp. Nhiều doanh nghiệp tận dụng, nắm bắt cơ hội đó muốn xin cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Hãy cùng tìm hiểu về giấp phép này cùng Luật Triệu Phúc nhé!
1. Căn cứ pháp lý
- Luật du lịch 2017
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP
- Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL
2. Yêu cầu, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
(1) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
(2) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam: 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng);
(3) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau:
- Chủ tịch hội đồng quản trị;
- Chủ tịch hội đồng thành viên;
- Chủ tịch công ty;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Cổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc;
- Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
– Chuyên ngành về lữ hành được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Quản trị lữ hành;
- Điều hành tour du lịch;
- Marketing du lịch;
- Du lịch;
- Du lịch lữ hành;
- Quản lý và kinh doanh du lịch;
- Quản trị du lịch MICE;
- Đại lý lữ hành;
- Hướng dẫn du lịch;
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2018;
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
3. Hồ sơ đăng ký cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ này gồm:
- Đơn đề nghị;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; hoặc bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác và phải có bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
4. Trình tự, thủ tục kinh cấp phép
– Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nộp hồ sơ đến Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở;
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Lệ phí cấp phép: 3.000.000 VNĐ
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục cấp phép dịch vụ lữ hành nội địa. Luật Triệu Phúc hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất mong nhận được sự hợp tác!.
Trân trọng./.
—— Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH Triệu Phúc ——