Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn. Cả hai chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, và bền vững. Nhưng trong hôn nhân không phải lúc nào vợ, chồng cũng có thể cùng nhau đi đến cuối đời mà sẽ có những rạn nứt, cãi vã không thể hoà giải dẫn đến việc ly hôn. Vậy trong trường hợp cả vợ hoặc chồng đều muốn đơn phương ly hôn thì cần có những điệu kiện, thủ tục và hồ sơ gì chúng ta hãy cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
2. Đơn phương ly hôn là gì?
Ly hôn đơn phương là việc xuất phát từ ý chí của một bên vợ hoặc chồng muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân với người còn lại.
Tòa án chỉ giải quyết việc đơn phương ly hôn nếu đáp ứng một trong các điều kiện được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vây, vợ hoặc chồng chỉ có quyền ly hôn đơn phương nếu bên còn lại có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, có hành vi gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người kia. Ngoài ra, Tòa án cũng giải quyết ly hôn đơn phương nếu vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu.
3. Hồ sơ đơn phương ly hôn.
Khi đã đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có mong muốn đơn phương ly hôn cần chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục sau:
– Đơn xin ly hôn đơn phương (Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP)
– Bản sao có chứng thực CMND/CCCD còn hiệu lực của nguyên đơn
– Bản sao giấy khai sinh của con
– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
– Bản sao tài sản chung yêu cầu phân chia khi ly hôn
– Các giấy tờ tài liệu liên quan khác (ví dụ: đơn trình bày nguyện vọng nuôi con, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong trường hợp có tranh chấp tài sản),…)
4. Thủ tục đơn phương ly hôn
Căn cứ theo các quy định tại Điều 191, 195, 196, 197, 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trình từ đơn phương ly hôn thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn
Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bị yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên, nếu những vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền mà thuộc về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Căn cứ Điều 37Bộ luật Tố tụng dân sự).
Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.
Bước 2: Sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương, Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời, phân công thẩm phán thụ lý vụ án.
Bước 4: Tham dự các buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án
Bước 5: Mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương.
Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.