Tội bức tử theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Bức tử là hành vi ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người khác khiến cho người đó tự sát. Việc nạn nhân tự sát bắt nguồn từ hành vi của người phạm tội đã gây ra cho họ. Cùng Luật Triệu Phúc tìm hiểu tội bức tử qua bài viết dưới đây!

Tội bức tử

1. Tội bức tử theo Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015

Tội bức tử là tội xâm phạm đến tính mạng của người khác được pháp luật Hình sự bảo vệ và quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) như sau:

“Điều 130. Tội bức tử

1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.”

Biểu hiện của tội bức tử thể hiện qua các hành vi như đánh đập, bỏ đói, bắt nạn nhân làm việc nặng nhọc quá sức, ép nạn nhân ăn đồ ôi thiu, phỉ báng, chà đạp danh dự của nạn nhân,… Tất cả những hành vi này đều xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định khiến cho nạn nhân bị tiêu cực, bế tắc mà tự sát.

2. Khung hình phạt đối với Tội bức tử 

Người phạm tội bức tử thực hiện các hành vi quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự theo 02 khung hình phạt như sau:

Khung Mức phạt tù Hành vi
Khung 1 phạt tù từ 02 năm đến 07 năm Đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát.
Khung 2 phạt tù từ 05 năm đến 12 năm Hành vi phạm tội như trên nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đối với 02 người trở lên;
  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
Như vậy, khung hình phạt cơ bản dành cho tội bức tử có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Cấu thành Tội bức tử

Mỗi loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự đều có những đặc trưng pháp lý riêng tạo thành từ 04 yếu tố cấu thành tội phạm. Vì thế, để có thể phân biệt được Tội bức tử với các tội phạm khác, cần xem xét thông qua 04 dấu hiệu pháp lý sau:

3.1. Chủ thể của tội phạm

Người phạm tội bức tử có thể là bất kì ai (công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch); từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật Hình sự). 

Năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Thiếu một trong hai năng lực này, người đó bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực chịu trách nhiệm hình sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Người nào thực hiện một trong bốn hành vi sau đây khiến cho người lệ thuộc mình tự sát sẽ bị xem là phạm tội bức tử:

  • Thứ nhất, hành vi đối xử tàn ác người lệ thuộc mình: thường xuyên đánh đập, bỏ đói, bóc lột sức lao động khiến nạn nhân tổn thương về mặt thể xác đến mức có thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ nạn nhân.
  • Thứ hai, hành vi thường xuyên ức hiếp người lệ thuộc mình: xử sự không công bằng, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của nạn nhân, thường kéo dài là lặp lại nhiều lần.
  • Thứ ba, hành vi ngược đãi người lệ thuộc mình: đối xử tệ bạc, cho ăn đồ bẩn, ôi thiu, cho mặc đồ rách rưới, không đủ ấm, … trong khi có điều kiện tốt hơn để thực hiện.
  • Thứ tư, hành vi làm nhục người lệ thuộc mình: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, chửi rủa thậm tệ, bôi nhọ danh dự, miệt thị, nhạo báng hoặc làm một số hành vi bỉ ổi không thể chấp nhận.

Lưu ý: Về cơ bản, các hành vi trên đã là một bộ phận cấu thành tội phạm bức tử (hậu quả là người lệ thuộc tự sát) nên người thực hiện hành vi sẽ không bị xử lý thêm về tội phạm khác như Tội hành hạ người khác (Điều 140); Tội làm nhục người khác (Điều 155).

Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người lệ thuộc vào người phạm tội có hành vi tự sát mà không phụ thuộc vào việc người tự sát có chết hay không. Chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cứu sống chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt. Ngoài ra, có những trường hợp có thể xem xét bị truy tố hoặc không truy tố người có hành vi bức tử nếu nạn nhân không bị chết.

3.3. Khách thể của tội phạm

Các hành vi của Tội bức tử kể trên xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng quyền được sống của người bị hại. Đây là những quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ.

3.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Các hành vi phạm tội của tội này được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp hoặc do lỗi vô ý, cụ thể:

  • Lỗi cố ý gián tiếp (Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự): người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, thấy trước hậu quả tự sát có thể xảy ra, tuy không mong muốn những vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý do quá tự tin (khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự): Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể khiến người bị hại tự sát nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, người bị hại không dám tự sát hoặc không thể tự sát, hoặc có thể ngăn cản được người bị hại tự sát.
  • Lỗi vô ý do cẩu thả (khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự): Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

4. Phạm tội bức tử cần thỏa mãn những điều kiện nào?

Để xác định một người có phạm tội bức tử hay không, cần xem xét các điều kiện sau:

Thứ nhất, người bị hại phải là người bị lệ thuộc vào người phạm tội:

  • Người bị hại là người bị lệ thuộc vào người phạm tội về mặt vật chất hoặc tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (căn cứ khoản 10 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP)
  • Ví dụ: Người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày; Người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn, …

Đây yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không.

Thứ hai, người bị hại tự sát:

  • Nạn nhân tự bản thân mình tước đoạt tính mạng của mình bằng nhiều phương thức khác nhau như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy xuống biển,…
  • Nếu nạn nhân không phải tự sát mà nhờ đến người khác giúp thì người có hành vi ngược đãi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử.

Thứ ba, nguyên nhân trực tiếp của việc nạn nhân tự sát là do hành vi của người phạm tội:

  • Khi nạn nhân bị ngược đãi tàn ác, hoặc bị làm nhục nhưng không tự sát thì người đã đối xử như vậy với nạn nhân không được xem là phạm tội bức tử.
  • Khi nạn nhân tự sát dù kết quả nạn nhân có chết hay không thì nguyên nhân và động cơ thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tiêu cực, bế tắc đã tự sát là do hành vi của người phạm tội gây ra, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về tội bức tử theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.  Luật Triệu Phúc rất hân hạnh đồng hành cùng Quý khách hàng giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
Rất.mong.nhận.được.sự.hợp.tác!
Trân.trọng./.
—— Bộ.phận..vấn.pháp.luật – Công.ty.Luật.TNHH.Triệu.Phúc ——

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *